CÁC VẤN ĐỀ CHƯA PHÙ HỢP PHÁP LUẬT CỦA ÁN LỆ SỐ 37/2020/AL

Án lệ 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm.

Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 05/02/2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

– Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 28/2018/KDTM-GĐT ngày 26/6/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” tại tỉnh Đồng Nai giữa nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn N với bị đơn là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm P; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm Công ty Bảo hiểm P1, Ngân hàng Thương mại cổ phần V, Công ty cổ phần Giấy S.

– Tình huống án lệ: Sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm mới đóng phí bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không có ý kiến gì, không có văn bản thông báo cho bên mua bảo hiểm về việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm mà vẫn nhận phí bảo hiểm, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về khoản tiền đóng phí bảo hiểm. Sau đó, sự kiện bảo hiểm xảy ra.

– Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm.

– Nội dung án lệ: “… Sau khi nhận được tiền phí bảo hiểm của Công ty N, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 không có ý kiến gì và cũng không có văn bản thông báo về việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm thì hai hợp đồng trên đã không còn hiệu lực từ ngày 01/5/2015, mà Bảo hiểm P1 vẫn nhận, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về hai khoản tiền đóng bảo hiểm này của Công ty N, nên mặc nhiên Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 thừa nhận việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm của Công ty N và thừa nhận hai hợp đồng bảo hiểm trên có hiệu lực thi hành.

Do đó, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm P phải có trách nhiệm bồi thường theo Hợp đồng giữa hai bên đã ký kết”.

Sau khi nghiên cứu nội dung vụ án và nội dung án lệ cùng thực tiễn tranh tụng đối với  các vụ án có nội dung tranh chấp tương tự, nhận thấy án lệ 37/2020/AL tồn tại những bất cập, không phù hợp thực tiễn dẫn đến tiêu cực trong các quan hệ pháp luật kinh doanh bảo hiểm

  1. Trái với một số quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Kinh doanh bảo hiểm và văn bản hướng dẫn thi hành
  • Vi phạm nguyên tắc áp dụng pháp luật của Bộ luật Dân sự 2015

Việc hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực do bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm đã được quy định rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm nên không thể áp dụng án lệ trong trường hợp này. Trong trường hợp Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn khác không quy định về việc hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực do bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm thì mới được áp dụng tương tự pháp luật theo khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự 2015.

Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì án lệ sẽ được áp dụng theo khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có quy định rõ ràng, cụ thể về việc không đóng phí bảo hiểm trong thời hạn theo hợp đồng bảo hiểm nhưng án lệ 37/2020/AL vẫn được đưa ra áp dụng là vi phạm cơ bản nguyên tắc áp dụng pháp luật của Bộ luật Dân sự 2015.

  • Bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm mà vẫn được chấp nhận bồi thường là không mang tính công bằng

Về việc đóng phí bảo hiểm, Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định rõ bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 278, 280 và 353 cũng quy định bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận; Bên chậm thực hiện nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên thì bên vi phạm nghĩa vụ – bên mua bảo hiểm mới là bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên bảo hiểm về việc chậm đóng phí bảo hiểm. Tuy nhiên, theo án lệ 37/2020/AL thì bên vi phạm nghĩa vụ lại không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào về việc vi phạm đó, còn bên bị vi phạm – doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bảo hiểm đối với bên vi phạm – là bên không đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng thời hạn theo hợp đồng bảo hiểm.

  • Trái quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm về phát sinh trách nhiệm và Thông tư 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017

Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 61/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội quy định trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường hợp sau đây:

+ Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.

+ Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm;

+ Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm.

Theo quy định nêu trên, trách nhiệm bảo hiểm chỉ phát sinh khi bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí trong thời hạn hoặc chưa đóng nhưng có thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm. Cụ thể hơn tại  điểm c, mục 1.1, khoản 1 Điều 21 về căn cứ xác định doanh thu có quy định “ Truờng hợp bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, nếu doanh nghiệp bao hiểm phi nhân thọ… không có thỏa thuận cho bên mua bảo hiểm nợ phí …, hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt khi hết thời hạn thanh toán phí bảo hiểm…”

Trong tình huống của án lệ 37/2020/AL, bên mua bảo hiểm đã không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời hạn, đồng thời giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không có thỏa thuận về việc cho bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm nhưng án lệ 37/2020/AL lại cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải có trách nhiệm bồi thường là không dựa trên một quy định pháp luật cụ thể nào.

  • Trái quy định về hình thức hợp đồng bảo hiểm

Khoản 2 Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định rằng hợp đồng bảo hiểm chấm dứt trong trường hợp bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Vậy việc bên bảo hiểm chấp nhận việc đóng phí bảo hiểm chậm của bên mua bảo hiểm chậm có được coi là các bên đã thỏa thuận về gia hạn thời hạn đóng phí bảo hiểm không? Án lệ 37/2020/AL cho rằng “Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 thừa nhận việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm của Công ty N và thừa nhận hai hợp đồng bảo hiểm trên có hiệu lực thi hành” là suy diễn mang tính chủ quan và không phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm. Bởi lẽ, việc đóng phí chậm của Công ty N chỉ có thể được chấp thuận khi có thỏa thuận của hai bên về việc gia hạn thời hạn đóng phí bảo hiểm. Vì hình thức của hợp đồng bảo hiểm là văn bản (Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm) nên thỏa thuận gia hạn đóng phí bảo hiểm cũng phải được lập thành văn bản theo quy định tại khoản 3 Điều 421 Bộ luật Dân sự 2015 (hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu).

Sửa đổi hợp đồng bảo hiểm cũng phải được ghi nhận trong thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên: Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung phí bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản (Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm).

Tòa án nhận định rằng công ty bảo hiểm “vẫn nhận, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và báo cáo thuế về hai khoản tiền đóng bảo hiểm này của Công ty N” nên công ty bảo hiểm đã “thừa nhận việc đóng tiền phí bảo hiểm chậm của Công ty N và thừa nhận hợp đồng bảo hiểm trên có hiệu lực thi hành”. Với nhận định này thì án lệ đã chấp nhận việc sửa đổi hợp đồng bảo hiểm bằng hành vi thực tế mà không cần tuân thủ hình thức của hợp đồng được sửa đổi mà pháp luật quy định. Như vậy, nhận định này là hoàn toàn trái quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Kinh doanh bảo hiểm.

  1. Không đáp ứng tiêu chí lựa chọn án lệ

Khoản 1, 2 Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ quy định án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

– Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể;

– Có tính chuẩn mực”.

Theo các tiêu chí trên thì vấn đề chấm dứt hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm nộp chậm phí bảo hiểm đã được quy định rõ ràng trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm. Điều 23 Luật này quy định:

“ Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

……

  1. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  2. Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.

Theo quy định trên, việc bên mua đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác về việc gia hạn đóng phí. Như vậy, Điều 23 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định rất rõ ràng và cụ thể về việc chấm dứt hiệu lực hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, nội dung án lệ 37/2020/AL lại đưa ra “một quy phạm pháp luật mới” trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Đó là: Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có quy định hợp đồng bảo hiểm sẽ hết hiệu lực khi bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm đúng thời hạn, nhưng sau khi hết thời hạn đóng phí và hai bên không có thỏa thuận gia hạn đóng phí, bên mua bảo hiểm vẫn đóng phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm vẫn nhận phí bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm vẫn có hiệu lực.

Quy phạm pháp luật mới mà án lệ 37/2020/AL đưa ra không thể được coi là có tính chuẩn mực và tạo ra tiền lệ xấu trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm là bên mua bảo hiểm sẽ nộp phí bảo hiểm sau khi hết thời hạn nộp phí bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chấp nhận bảo hiểm.

Án lệ trên không mang tính chuẩn mực còn được thể hiện: Theo nội dung án lệ 37/2020/AL thì có thể hiểu rằng bên bảo hiểm phải thông báo cho bên mua bảo hiểm về việc không đóng phí bảo hiểm trong thời hạn hợp đồng và phải từ chối việc đóng phí bảo hiểm chậm của bên mua bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm không có quy định nào về việc doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ phải thông báo cho bên mua bảo hiểm về việc chậm đóng phí bảo hiểm hoặc về việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Vì theo Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm, bên mua không đóng phí bảo hiểm trong thời hạn đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực. Tuy nhiên, việc hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực trong trường hợp này không có nghĩa là bên mua bảo hiểm không có nghĩa vụ phải nộp phí bảo hiểm nữa. Điều 24 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định:

“Điều 24. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm…

  1. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.
  2. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.
  3. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Như vậy, trong trường hợp này nếu số tiền phí bảo hiểm mà Công ty N đã nộp chậm cao hơn số tiền phí bảo hiểm phải nộp đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm thì Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm P và Bảo hiểm P1 phải hoàn trả lại cho Công ty N số tiền chênh lệch thì mới đúng quy định pháp luật về giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng.

Thực tiễn cho thấy từ khi Án lệ 37/2020/AL có hiệu lực thi hành các doanh nghiệp bảo hiểm bị xử thua kiện, buộc phải bồi thường rất nhiều, gây tổn thất lớn cho nhà nước và Doanh nghiệp bảo hiểm. Để bãi bỏ Án lệ 37/2020/AL, căn cứ Điều 10 Nghị Quyết 04/2019 thì các Doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phải gởi văn bản đề nghị bãi bỏ gởi Tòa án nhân dân Tối Cao đề Hội đồng Thẩm phán biểu quyết bãi bỏ.

Nguồn: Tổng hợp

Án lệ số 37/2020/AL