GIỚI THIỆU LUẬT PHÁ SẢN 2014

Ngày 19/6/2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật phá sản số 51/2014/QH13. Chủ tịch nước ký Lệnh số 11/2014/L-CTN ngày 30/6/2014 công bố Luật phá sản. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015

Luật phá sản 2014 gồm 14 chương, 133 điều, cụ thể như sau:

– Chương I: Những quy định chung, gồm 25 điều từ Điều 1 đến Điều 25 quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; áp dụng Luật phá sản; giải thích từ ngữ; người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thông báo doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản; từ chối hoặc thay đổi Thẩm phán trong quá trình giải quyết phá sản; cá nhân, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; điều kiện hành nghề Quản tài viên; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; cá nhân không được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên; quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự; quyền, nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản; quyền, nghĩa vụ của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết phá sản; lệ phí phá sản; chi phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản; chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; và việc yêu cầu, cấp, thông báo văn bản trong giải quyết phá sản.

– Chương II: Đơn và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gồm 17 điều từ Điều 26 đến Điều 41 quy định về: Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ; đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động, đại diện công đoàn; đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của cổ đông hoặc nhóm cổ đông của công ty cổ phần, thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã; phương thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; phân công Thẩm phán giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản; xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền và giải quyết đề nghị xem xét lại việc chuyển đơn; thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; đề nghị xem xét lại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; thủ tục nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản; thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thụ tục phá sản; và tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản.

– Chương III: Mở thủ tục phá sản, gồm 9 điều từ Điều 42 đến Điều 50 quy định về: Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản; hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã bị cấm sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản; giám sát hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản; và ủy thác tư pháp trong việc giải quyết phá sản.

– Chương IV: Nghĩa vụ về tài sản, gồm 8 điều từ Điều 51 đến Điều 58 quy định về: Xác định giá trị nghĩa vụ về tài sản; xác định tiền lãi đối với khoản nợ; xử lý khoản nợ có bảo đảm; thứ tự phân chia tài sản; nghĩa vụ về tài sản trong trường hợp nghĩa vụ liên đới hoặc bảo lãnh; trả lại tài sản thuê hoặc mượn khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản; trả lại tài sản nhận bảo đảm; và nhận lại hàng hóa đã bán.

– Chương V: Các biện pháp bảo toàn tài sản, gồm 16 điều từ Điều 59 đến Điều 74 quy định về: Giao dịch bị coi là vô hiệu; tuyên bố giao dịch vô hiệu; tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực; thanh toán, bồi thường thiệt hại khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện; bù trừ nghĩa vụ; tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; kiểm kê tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; gửi giấy đòi nợ; lập danh sách chủ nợ; lập danh sách người mắc nợ; đăng ký giao dịch bảo đảm của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; xử lý việc tạm đình chỉ thi hành án dân sự, giải quyết vụ việc; giải quyết việc đình chỉ thi hành án dân sự, giải quyết vụ việc; nghĩa vụ của ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản; và nghĩa vụ của người lao động.

– Chương VI: Hội nghị chủ nợ, gồm 12 điều từ Điều 75 đến Điều 86 quy định về: Triệu tập và gửi thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ; nguyên tắc tiến hành Hội nghị chủ nợ; quyền tham gia Hội nghị chủ nợ; nghĩa vụ tham gia Hội nghị chủ nợ; điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ; hoãn Hội nghị chủ nợ; nội dung và trình tự Hội nghị chủ nợ; ban đại diện chủ nợ; nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; gửi Nghị quyết Hội nghị chủ nợ; đề nghị, kiến nghị xem xét lại và giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; và đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản.

– Chương VII: Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, gồm 10 điều từ Điều 87 đến Điều 96 quy định về: Xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; nội dung và trình tự Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; công nhận Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; giám sát việc thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; sửa đổi, bổ sung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; và hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

– Chương VIII: Thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, gồm 8 điều từ Điều 97 đến Điều 104 quy định về: Áp dụng quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng; hoàn trả khoản vay đặc biệt; thứ tự phân chia tài sản; trả lại tài sản nhận ủy thác, nhận giữ hộ khi tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản phá sản; giao dịch của tổ chức tín dụng trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt; và quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.

– Chương IX: Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, gồm 9 điều từ Điều 105 đến Điều 113 quy định về: Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn; quyết định tuyên bố phá sản khi Hội nghị chủ nợ không thành; quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; gửi và thông báo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; nghĩa vụ về tài sản sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; và xem xét đơn đề nghị, kiến nghị theo thủ tục đặc biệt.

– Chương X: Xử lý tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã có tranh chấp, gồm 02 điều là Điều 114 và Điều 115 quy định về: Xử lý tranh chấp tài sản trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; và xử lý trường hợp có tranh chấp tài sản trong quá trình thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

– Chương XI: Thủ tục phá sản có yếu tố nước ngoài, gồm có 03 điều là Điều 116, Điều 117 và Điều 118 quy định về: Người tham gia thủ tục phá sản là người nước ngoài; ủy thác tư pháp của Tòa án nhân dân Việt Nam đối với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; và thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài.

– Chương XII: Thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, gồm có 10 điều từ Điều 119 đến Điều 128 quy định về: Thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản; thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản; yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản; định giá tài sản; định giá lại tài sản; bán tài sản; thu hồi lại tài sản trong trường hợp có vi phạm; đình chỉ thi hành quyết định tuyên bố phá sản; xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phát sinh sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; và giải quyết khiếu nại việc thi hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

– Chương XIII: Xử lý vi phạm, gồm 02 điều là Điều 129 và Điều 130 quy định về: Trách nhiệm do vi phạm pháp luật về phá sản và cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản.

– Chương XIV: Điều khoản thi hành, gồm 03 điều là Điều 131, Điều 132 và Điều 133 quy định về: Điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Luật phá sản số 51/2014/QH13

Dịch vụ khác