QUYỀN CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA ĐƯỢC GẶP NGƯỜI BỊ BẮT, NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, BỊ CAN ĐANG BỊ TẠM GIAM

Thạc sĩ.Luật sư Phạm Hồng Nam

Luật sư Nguyễn Thị Bạch Yến

  1. Quy định pháp luật về quyền của người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Quyền được gặp người bị bắt, bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam của NBC ở giai đoạn điều tra VAHS là rất quan trọng. Bởi đó là cơ sở để NBC triển khai và định hướng các hoạt động bào chữa trong TTHS. Bộ luật TTHS năm 2015 ra đời trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về NBC, Hiến pháp năm 2013 một lần nữa khẳng định nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa, mở rộng phạm vi người được bào chữa là người bị bắt. Cụ thể hóa Hiến pháp, Bộ luật TTHS năm 2015 đã xây dựng một chương mới (Chương V) về bào chữa, thể hiện bước chuyển căn bản trong nhận thức toàn diện và sâu sắc tinh thần Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Các trường hợp NBC được gặp mặt nguời bị bắt, nguời bị tạm giữ, bị can

Bộ luật TTHS năm 2015 cho phép NBC được gặp mặt người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can trong hai trường hợp sau đây:

Một là, NBC được chủ động gặp mặt người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 Bộ luật TTHS năm 2015: “NBC có quyền gặp, hỏi người bị buộc tội”. Đây là cuộc gặp do NBC hoàn toàn chủ động tiến hành trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào và không hạn chế số lần, thời gian gặp. Để cụ thể hóa quy định này, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể như: Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an về quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, hiện nay đang có sự mâu thuẫn giữa các quy định của Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC với Thông tư số 46/2019/TT-BCA, Bộ luật TTHS năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Cụ thể là theo quy định của Thông tư số 46/2019/TT-BCA thì việc gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam của NBC được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. CQĐT, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của NBC với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam[1]. Bộ luật TTHS năm 2015 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 cũng quy định để gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, NBC chỉ xuất trình văn bản thông báo NBC, giấy tờ tùy thân như Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân. Thế nhưng, tại Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC lại quy định thêm trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát (khoản 3 Điều 10). Đây là quy định “vượt rào”, tạo kẽ hở cho ĐTV và cán bộ có thẩm quyền của cơ sở giam giữ gây khó, cản trở NBC được chủ động gặp người bị tạm giữ, tạm giam. Bởi khi NBC chủ động đến liên hệ xin gặp người bị tạm giữ, tạm giam sẽ bị giám thị trại giam từ chối do thuộc trường hợp cần có ý kiến của CQĐT và cuộc gặp phải được giám sát của người có thẩm quyền. Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC không có quy định giải thích trường hợp nào cần phải giám sát.

Hai là, NBC được gặp mặt người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can trong hoạt động lấy lời khai, hỏi cung, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 73 Bộ luật TTHS năm 2015. NBC thực hiện quyền gặp thứ hai này phải theo kế hoạch điều tra đã được cơ quan và người có thẩm quyền THTT chuẩn bị trước nhằm lấy lời khai, hỏi cung đối với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can với sự có mặt của NBC.

1.1 Về thời điểm và trình tự, thủ tục để người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Về thời điểm để người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Nhiệm vụ và mục đích NBC tham gia tố tụng là nhằm làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, nhằm chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Và khi NBC thực hiện được quyền gặp mặt người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam không những để đảm bảo bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ mà còn giúp cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can được củng cố về mặt tinh thần, được an tâm về mặt pháp lý.

Hiện nay, Bộ luật TTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định thời điểm cụ thể để NBC được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Thế nên dựa vào các quy định hiện hành, có thể thấy NBC chỉ được gặp sau khi đã hoàn thành các thủ tục đăng ký bào chữa và tuân theo quy định về thời điểm NBC tham gia tố tụng tại Điều 74 Bộ luật TTHS năm 2015. Theo đó, có thể chia thành các trường hợp như sau:

Trường hợp thông thường: NBC tham gia tố tụng từ khi có quyết định khởi tố bị can. Khi đó, NBC sẽ được gặp, tiếp xúc bị can đang bị tạm giam sau khi có quyết định khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người: NBC tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của CQĐT, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Khi đó, NBC được gặp, tiếp xúc với người bị bắt, người bị tạm giữ trước khi có quyết định khởi tố bị can.

Trường hợp đặc biệt: Khi cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để NBC tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Khi đó, NBC được gặp, tiếp xúc với bị can khi đã kết thúc điều tra.

Tuy nhiên, hiện nay quy định này vẫn mang tính hình thức, chưa được áp dụng vào thực tiễn hoạt động tố tụng của NBC. Bởi lẽ, trên thực tế NBC chủ yếu được gặp bị can đang bị tạm giam tại cơ sở giam giữ sau khi đã có quyết định khởi tố bị can, NBC không thể gặp mặt người bị bắt, bị tạm giữ khi họ có mặt tại trụ sở CQĐT hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

1.2 Về trình tự, thủ tục để người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Để gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, NBC phải xuất trình văn bản thông báo NBC, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân[2]. Đây là một trong các quyền của NBC mới được quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015. Và để cụ thể hóa quy định mới này, các cơ quan chức năng đã ban hành văn bản hướng dẫn như sau:

Một là, trường hợp NBC gặp người bị bắt: Khi NBC đề nghị gặp người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo NBC và Thẻ luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để NBC gặp người bị bắt tại trụ sở của mình, phổ biến cho NBC biết quy định của trụ sở CQĐT và yêu cầu NBC chấp hành nghiêm chỉnh[3].

Hai là, trường hợp NBC gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam: Khi nhận được văn bản thông báo NBC cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho NBC được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, NBC có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý[4].

Tuy nhiên, để NBC được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì trước hết NBC phải được người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ mời bào chữa hoặc theo chỉ định NBC của cơ quan có thẩm quyền THTT. Sau đó, NBC phải thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa để được tham gia tố tụng trong VAHS.

So với Bộ luật TTHS năm 2003, NBC khi tham gia tố tụng không cần phải xin cấp giấy chứng nhận NBC, mà chỉ đăng ký bào chữa theo quy định tại Điều 78 Bộ luật TTHS năm 2015. Hồ sơ đăng ký bào chữa như sau:

Đối với NBC là Luật sư: Thẻ luật sư; bản sao Thẻ luật sư có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội; Đối với các trường hợp chỉ định NBC là luật sư thì phải bổ sung: Văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân.

Đối với NBC là Bào chữa viên nhân dân: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân; bản sao Chứng minh nhân dân hoặc bản sao thẻ Căn cước công dân có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Đối với NBC là trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý: văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư và bản sao Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư có chứng thực.

Về thời hạn để cơ quan THTT xem xét đăng ký bào chữa: Nếu như khoản 4 Điều 56 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định thời hạn để cơ quan THTT xem xét, cấp giấy chứng nhận NBC là 03 ngày thì nay Điều luật quy định rõ thời hạn để cơ quan có thẩm quyền tố tụng xem xét đăng ký NBC chỉ còn 01 ngày (24 giờ).

Ngoài ra, Bộ Luật TTHS năm 2015 cũng xóa bỏ việc NBC phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận NBC riêng cho từng giai đoạn tố tụng gây nên sự tốn kém về thời gian, công sức cho cả NBC và cơ quan THTT và thay thế bằng quy định: “Văn bản thông báo NBC có giá trị trong suốt quá trình tham gia tố tụng”. Như vậy, NBC chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký một lần trong suốt quá trình tham gia tố tụng (điều tra, truy tố và xét xử), trừ trường hợp bị người bị buộc tội hoặc người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi NBC; bị cơ quan có thẩm quyền THTT hủy bỏ việc đăng ký bào chữa khi phát hiện NBC vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa hoặc thuộc đối tượng không được bào chữa.

1.3 Về thời gian và địa điểm người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Đây là quy định mới so với Bộ luật TTHS năm 2003, Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định về trách nhiệm của Cơ quan có thẩm quyền THTT trong việc thông báo thời gian, địa điểm cho NBC được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

Về thời gian người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Trường hợp NBC chủ động gặp mặt người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì thời gian do NBC tự sắp xếp mà không cần phải thông báo trước cho Cơ quan THTT đang thụ lý vụ án biết để ấn định thời gian cụ thể. Theo đó, thời gian NBC làm việc với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can không bị hạn chế, nhưng NBC phải tuân thủ nội quy cơ sở giam giữ.

Đối với trường hợp NBC được gặp mặt người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam trong hoạt động lấy lời khai, hỏi cung, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác thì NBC phải có mặt theo Thông báo về thời gian tiến hành các hoạt động này của cơ quan có thẩm quyền THTT. Bộ luật TTHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về trách nhiệm thông báo cho NBC. Cụ thể là quy định tại Điều 79 Bộ luật TTHS năm 2015: “Cơ quan có thẩm quyền THTT phải báo trước một thời gian hợp lý cho NBC về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp NBC đã được cơ quan THTT thông báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 của Bộ luật này”.

Mặt khác, để đảm bảo sự có mặt của NBC, Thông tư 46/2019/TT-BCA cũng có quy định về thời gian báo trước như sau: Cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng mà NBC có quyền tham gia tối thiểu 24 giờ đối với trường hợp NBC cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc, 48 giờ đối với trường hợp NBC cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng. Trường hợp NBC nhất trí với ĐTV, Cán bộ điều tra thời hạn sớm hơn thì việc thực hiện các hoạt động tố tụng được thực hiện theo thỏa thuận đó[5].

Về địa điểm người bào chữa gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thì NBC được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật TTHS và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài ra, đối với người bị bắt, NBC được gặp tại trụ sở cơ quan đang thụ lý việc bắt người.

2.Thực tiễn áp dụng về quyền của người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

2.1 Những vướng mắc, hạn chế

Mặc dù, Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung quy định mới thể hiện sự tiến bộ về quyền của NBC được gặp riêng để trao đổi với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam một cách chủ động, không bị hạn chế số lần và thời gian gặp, tạo điều kiện cho NBC nắm bắt được những thông tin còn mâu thuẫn, những tình tiết bất lợi cho họ, từ đó có những kiến nghị, phương án bào chữa hiệu quả. Tuy nhiên trên thực tế, theo số liệu khảo sát xã hội học của tác giả thu thập được và thông tin phản ánh từ các bài viết trên báo chí thì còn rất nhiều trường hợp NBC vẫn chưa thực hiện quyền được gặp riêng người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam đúng như những gì Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, kết quả khảo sát của tác giả thể hiện vẫn còn tình trạng CQĐT gây khó khăn cho NBC trong việc đăng ký bào chữa (có 07 câu trả lời, chiếm tỷ lệ 20,6%); CQĐT thực hiện không đúng quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về thời hạn đăng ký bào chữa (có 12 câu trả lời, chiếm tỷ lệ 35,3%); NBC không được chủ động gặp riêng người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam mà phải xin ý kiến của CQĐT (có 28 câu trả lời, chiếm tỷ lệ 82,4%); NBC bị người có thẩm quyền giám sát khi được chủ động gặp riêng người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam (có 27 câu trả lời, chiếm tỷ lệ 79,4%) và vẫn còn tình trạng NBC bị giới hạn thời gian trong một lần gặp riêng người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam (có 24 câu trả lời, chiếm tỷ lệ 72,7%).

Thứ hai, đến nay NBC được tham dự khi CQĐT lấy lời khai, hỏi cung, đối chất. Về việc gặp riêng, hầu như chưa có trường hợp nào được sắp xếp ổn thỏa, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thường lúng túng khi tiếp nhận từ NBC. Đơn cử, bị can trong vụ án “Tham ô tài sản” (xảy ra tại Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa) yêu cầu có luật sư bào chữa. Dù luật sư có yêu cầu nhưng cơ quan công an “ngó lơ” đề nghị gặp riêng bị can[6].

Thứ ba, theo báo cáo của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tại Đại hội đại biểu Đoàn luật sư nhiệm kỳ X (2020-2025) thể hiện thực tế các luật sư tham gia tố tụng còn đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc cấp đăng ký, thông báo NBC, việc gặp và làm việc với bị can. Theo báo cáo, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định NBC có quyền gặp người bị tạm giữ, tạm giam mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều lúc luật sư gặp bị can luôn bị CQĐT gây khó, ví dụ như CQĐT yêu cầu Trại tạm giam chỉ giải quyết cho luật sư gặp bị can khi có ĐTV giám sát. Thời gian làm việc với bị can đang bị tạm giam cũng là một trở ngại vô cùng lớn đối với luật sư. Luật sư khi làm hết các thủ tục thường được gặp bị can trong khoảng thời gian 30 phút[7].

Thứ tư, theo luật sư Phan Trung Hoài, trong giai đoạn điều tra VAHS, quyền gặp mặt, trao đổi, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị cản trở từ phía một số CQĐT và ĐTV, chủ yếu do nhận thức không đúng, không đầy đủ về quyền gặp, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra tại cơ sở giam giữ. Hiện nay rất nhiều CQĐT, ĐTV, cán bộ điều tra, cán bộ quản lý cơ sở giam giữ vẫn giữ nhận thức và yêu cầu thực hiện trên thực tế trong giai đoạn điều tra là việc gặp, tiếp xúc, làm việc, tham dự các buổi hỏi cung của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam phải được sự chấp thuận của CQĐT hoặc theo kế hoạch hỏi cung của ĐTV. Điều này đã được các luật sư phản ánh rất nhiều trong các cuộc tọa đàm, hội thảo. Liên đoàn luật sư đã tổng hợp thống kê và báo cáo lãnh đạo Bộ Công an về hàng trăm đơn thư khiếu nại trong nhiều năm qua của luật sư do phải đăng ký, chờ đợi hàng tháng vẫn không được gặp, làm việc với bị can trong giai đoạn điều tra[8].

Thứ năm, đối với trường hợp NBC được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam theo thông báo của CQĐT cũng rất hạn chế về số lần gặp. Bởi trong thực tiễn hành nghề, khi tham gia bào chữa trong các VAHS, ở giai đoạn điều tra, thông thường tác giả được gặp bị can hai lần theo lịch làm việc của ĐTV. Theo đó, cuộc gặp lần đầu là sau khi NBC đã được đăng ký bào chữa và cuộc gặp trong buổi phúc cung để CQĐT chuẩn bị ban hành Bản kết luận điều tra. Tác giả xin nêu ví dụ đối với trường hợp bị can Nguyễn Hữu D trong vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” xảy ra tại xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang vào ngày 30/7/2020. Theo đó, ngày 30/7/2020, Nguyễn Hữu D bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Tân Châu ra Quyết định tạm giữ do có hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 Bộ luật hình sự. Sau khi điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Tân Châu nhận thấy số lượng ma túy thu giữ trong vụ án là 47,5493 gam không thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐT Công an thị xã Tân Châu nên vào ngày 07/8/2020 cơ quan này đã làm các thủ tục điều chuyển hồ sơ vụ án, người bị tạm giữ Nguyễn Hữu D và vật chứng đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang. Ngày 25/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang có Công văn yêu cầu Đoàn luật sư tỉnh phân công NBC cho người bị buộc tội Nguyễn Hữu D. Căn cứ văn bản phân công của Đoàn luật sư An Giang, ngày 31/8/2020, Văn phòng luật sư Yến Nam cử Luật sư Phạm Hồng Nam tham gia đăng ký bào chữa cho bị can Nguyễn Hữu D. Ngày 07/9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang ban hành Thông báo số 84/PC04 về việc đăng ký bào chữa cho luật sư Nam. Tuy nhiên, đến ngày 14/12/2020 luật sư Nam mới được ĐTV mời dự cung lần đầu và ngày 05/02/2021 được mời dự cung lần thứ hai. Sau đó đến ngày 08/02/2021, CQĐT ban hành Bản kết luận điều tra VAHS đề nghị truy tố số 13/KLĐT-PC04[9].

  • Nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc

Thứ nhất, mặc dù Bộ luật TTHS năm 2015 có quy định tại điểm a khoản 1 Điều 73 về quyền của NBC là “Gặp, hỏi người bị buộc tội” và tại Điều 80 Bộ luật TTHS năm 2015 có quy định về thủ tục để NBC được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Tuy nhiên, đây chỉ là các quy định rất chung chung, chưa thể hiện cụ thể về trình tự gặp như thế nào, cách thức ghi nhận nội dung cuộc gặp và các vấn đề khác như thời điểm gặp, số lần gặp, thời gian gặp, trường hợp chủ động gặp riêng thì có sự giám sát hay không, có được tự do trao đổi thông tin, tài liệu, thư từ, cơ chế bảo đảm bí mật thông tin trao đổi giữa NBC và người bị buộc tội. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Bộ luật TTHS năm 2015 thì Cơ quan quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu NBC chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện NBC vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là vi phạm các quy định về việc gặp, các vi phạm này bao gồm những gì, vi phạm ở mức độ nào thì bị dừng ngay cuộc gặp và ai là người có thẩm quyền đánh giá mức độ vi phạm của NBC và quyết định dừng ngay việc gặp. Chính những thiếu sót này đã tạo cơ hội cho người có thẩm quyền THTT gây khó cho việc gặp giữa NBC đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

Ở một số nước phát triển, pháp luật tố tụng hình sự của họ đều cho phép NBC gặp riêng thân chủ của mình. Chẳng hạn như, Điều 148 Bộ luật TTHS Đức quy định về thông tin giữa luật sư với thân chủ có một trong những quy định quan trọng đảm bảo hoạt động bào chữa cho NBC. Theo đó, giữa NBC và người bị buộc tội được giao tiếp mà không bị kiểm soát. Người bị buộc tội có quyền giao tiếp bằng lời nói hoặc văn bản viết với luật sư bào chữa cho dù người bị buộc tội có đang bị tạm giam, tạm giữ hay không (khoản 1 Điều 148), trừ một số trường hợp đặc biệt (khoản 2 Điều 148). Sự trao đổi thư từ hay tư vấn bằng lời nói giữa người bị buộc tội và luật sư không phải chịu sự kiểm duyệt của Tòa án hay sự giám sát của bảo vệ. Khi người bị buộc tội nhận được thư từ luật sư, họ được quyền giữ chúng mà không có sự can thiệp của cảnh sát bởi quy định về “thư của luật sư bào chữa” (verteidigerpost-defense attorney mail), quy định tại khoản 1 Điều 97 Bộ luật TTHS Đức. Quy định này đảm bảo rằng, bất kỳ ghi chép nào có chứa thông tin bí mật mà luật sư bào chữa có được sẽ không bị tịch thu[10]. Ngoài ra, một số nước như Liên bang Nga, Trung Quốc cũng mở rộng quyền gặp riêng tư và thông tin liên lạc giữa NBC với bị can. Chẳng hạn như Điều 46 Bộ luật TTHS Liên bang Nga quy định, kể từ khi NBC có quyền tham gia tố tụng, bị can có thể được sự giúp đỡ pháp lý của NBC, có quyền gặp riêng NBC trước khi bị can bị thẩm vấn lần đầu tiên và nội dung cuộc gặp được giữ kín. Điều 37 Bộ luật TTHS Trung Quốc quy định: “Luật sư bào chữa có thể gặp mặt, thông tin với nghi phạm, bị cáo đang bị giam giữ; Trại tạm giam phải sắp xếp ngay lập tức cuộc gặp giữa Luật sư bào chữa và nghi phạm, bị cáo không được muộn quá 48 tiếng. Luật sư bào chữa có thể gặp nghi phạm, bị cáo đang bị giam giữ, có thể tìm hiểu tình hình liên quan đến vụ án, cung cấp các tư vấn liên quan đến pháp luật; kể từ ngày vụ án được chuyển đến điều tra, khởi tố có thể xác minh các chứng cứ có liên quan với nghi phạm, bị cáo. Luật sư bào chữa khi gặp nghi phạm, bị cáo sẽ không bị giám sát nghe trộm cuộc đối thoại”[11].

Như vậy, có thể thấy Bộ luật TTHS các nước Đức, Nga, Trung Quốc quy định cụ thể quyền gặp gỡ, trao đổi thông tin, tài liệu của NBC đối với người bị buộc tội, đảm bảo địa vị pháp lý độc lập cho NBC khi tham gia vào hoạt động TTHS và cùng với người bị buộc tội thực hiện chức năng gỡ tội. Do đó, khi so sánh với quyền của NBC trong TTHS nước ta thì quyền gặp của NBC đối với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam còn nhiều hạn chế. Thiết nghĩ, khi sửa đổi Bộ luật TTHS năm 2015, cần nghiên cứu bổ sung các quy định này để hoàn thiện hơn nữa pháp luật về quyền của NBC được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

Thứ hai, Bộ luật TTHS năm 2015 chưa có cơ chế bảo đảm quyền bào chữa của NBC. Bởi hiện nay Bộ luật TTHS chỉ quy định về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, theo đó người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; cơ quan, người có thẩm quyền THTT có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện đầy đủ quyền bào chữa theo quy định của Bộ luật này (Điều 16). Mặt khác, Bộ luật cũng chưa quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền THTT đối với NBC. Do đó, khi xảy ra việc NBC bị xâm phạm quyền trong quá trình tham gia hoạt động tố tụng thì không có chế tài để xử lý những hành vi vi phạm của người có thẩm quyền THTT. Vì vậy, theo tác giả khi sửa đổi Bộ luật TTHS năm 2015 cần phải bổ sung quy định về những vấn đề còn thiếu sót này.

Thứ ba, mặc dù Bộ Công an đã ban hành Thông tư 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017, có hiệu lực ngày 06/10/2017 quy định về Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân (sau đây gọi tắt là Quy tắc ứng xử Công an nhân dân). Tuy nhiên, Quy tắc ứng xử Công an nhân dân không ban hành quy định ứng xử với NBC, cũng không quy định Quy tắc ứng xử này là cơ sở để đánh giá về đạo đức, ứng xử của ĐTV khi bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch ĐTV khác hoặc làm căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với ĐTV. Do đó, theo quan điểm của tác giả đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng NBC vẫn còn bị ĐTV gây khó khăn, phiền hà trong việc thực hiện các quyền, trong đó có quyền gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

Thứ tư, do nhận thức không đúng, không đầy đủ của một bộ phận ĐTV, Cán bộ điều tra và người có thẩm quyền THTT khác về quyền gặp, làm việc của NBC với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra tại cơ sở giam giữ; với tâm lý e ngại NBC sẽ hướng dẫn người bị buộc tội chối tội, khai báo quanh co, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra. Do vậy, Luật cần quy định rõ CQĐT phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc đã phổ biến quyền và nghĩa vụ cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, trong đó cho phép họ có quyền không trả lời CQĐT khi chưa có mặt NBC hoặc chưa có yêu cầu NBC.

3.Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền của người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

3.1Hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến việc thực hiện quyền của người bào chữa được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

 Quyền được chủ động tiếp xúc, gặp gỡ giữa NBC với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam là rất quan trọng, đặc biệt là ở giai đoạn điều tra. Bởi lẽ, đây là giai đoạn có tính quyết định cho cả một quá trình THTT để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, là cơ sở để xác định một người là có phạm tội hay không phạm tội. Do vậy, để phát huy hơn nữa quyền của NBC, bảo đảm có cơ chế để quyền của NBC được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam được áp dụng và thi hành trong thực tiễn TTHS thì rất cần hoàn thiện các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, sửa đổi những quy định mâu thuẫn giữa Bộ luật TTHS, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 với các văn bản hướng dẫn có liên quan, cũng như cần sửa đổi các quy định không còn phù hợp của Luật luật sư so với Bộ luật TTHS năm 2015. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, tác giả kiến nghị nên tách phần quy định về Bào chữa ra thành một Chương riêng trong Bộ luật TTHS nhằm cụ thể hóa các quyền của NBC để đảm bảo tính thống nhất và dễ áp dụng. Trong đó, bổ sung quy định cụ thể về thời điểm, trình tự, thủ tục gặp; cần quy định rõ khi gặp riêng, NBC được tự do trao đổi thông tin, tài liệu với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam và không bị người có thẩm quyền giám sát. Đồng thời, để hạn chế tình trạng tùy tiện cản trở NBC thực hiện quyền chủ động gặp người bị tạm giữ, tạm giam, tác giả kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn, giải thích quy định tại khoản 2 Điều 80 Bộ luật TTHS năm 2015. Theo đó, giải thích thế nào là vi phạm các quy định về việc gặp, quy định cụ thể các loại vi phạm, chế tài xử lý đối với từng vi phạm, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý vi phạm.

Mặt khác, để đảm bảo tính thống nhất về số lần gặp, thời gian gặp của NBC trong trường hợp chủ động thì rất cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. Theo đó, cần bổ sung quy định cụ thể số lần gặp và thời gian trong mỗi lần NBC gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Bởi hiện nay Luật thi hành tạm giữ, tạm giam chỉ quy định cụ thể về số lần gặp và thời gian cho mỗi lần gặp đối với nhân thân người bị tạm giữ, người bị tạm giam; trong khi đó đối với NBC, luật chỉ quy định chung chung rằng NBC được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật TTHS và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Do vậy, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 như sau: “NBC được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám chữa bệnh mà không bị hạn chế về số lần gặp; thời gian mỗi lần gặp không giới hạn thời gian; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa”.

            Ngoài ra, để khắc phục tình trạng người có thẩm quyền tại cơ sở giam giữ gây khó không cho NBC được chủ động gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam với lý do cần phải thông báo cho CQĐT biết việc gặp để giám sát, tác giả kiến nghị cần bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 về việc quy định cụ thể những trường hợp nào được xem là trường hợp cần thiết để Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của NBC để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp của NBC với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.

Thứ hai, cần sửa đổi Luật luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 cho phù hợp với quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về thủ tục đăng ký bào chữa. Cụ thể là sửa khoản 3 Điều 27 Luật luật sư như sau: “Khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là nguời bào chữa, luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng đăng ký bào chữa. Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ trường hợp người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi luật sư hoặc luật sư không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.

Khi đăng ký bào chữa, luật sư bào chữa xuất trình các giấy tờ sau đây:

  1. a) Thẻ luật sư;
  2. b) Giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội hoặc văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân trong trường hợp tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý.
  3. c) Trong trường hợp người tập sự hành nghề luật sư đi cùng với luật sư hướng dẫn trong vụ án hình sự theo quy định thì khi đăng ký bào chữa, luật sư hướng dẫn gửi kèm theo Giấy chứng nhận tập sự hành nghề luật sư và giấy tờ xác nhận có sự đồng ý của khách hàng đến cơ quan tiến hành tố tụng để đề nghị cho phép người tập sự được đi cùng luật sư hướng dẫn.

Chậm nhất là trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đăng ký bào chữa cho luật sư, trong đó cho phép người tập sự hành nghề luật sư tham gia vụ việc (nếu có); trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật tố tụng.

Khi cần liên hệ với cá nhân, cơ quan, tổ chức để thực hiện quyền, nghĩa vụ và các hoạt động có liên quan đến việc bào chữa trong vụ án hình sự, luật sư xuất trình Thẻ luật sư và văn bản thông báo người bào chữa”.

Sửa khoản 4 Điều 27 Luật luật sư như sau: “4. Luật sư chỉ bị từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Người bị buộc tội hoặc người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư;
  2. b) Luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó;
  3. c) Luật sư đã tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch hoặc người dịch thuật;
  4. d) Luật sư là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó”.

3.2 Nâng cao trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Để tạo cơ chế bảo đảm quyền của NBC được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam ở giai đoạn điều tra, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật rất cần đến tinh thần trách nhiệm và sự tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động điều tra VAHS của CQĐT, ĐTV và những người có thẩm quyền THTT khác. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của CQĐT, ĐTV và những người có thẩm quyền THTT khác về vai trò của NBC trong việc tham gia giải quyết VAHS, đặc biệt là ở giai đoạn điều tra, thiết lập mối quan hệ phối hợp giữa NBC với CQĐT, ĐTV và những người có thẩm quyền THTT khác trở nên tốt đẹp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho NBC trong việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, để hạn chế tình trạng ĐTV gây khó khăn, cản trở NBC trong quá trình tham gia VAHS ở giai đoạn điều tra, tác giả kiến nghị Bộ Công an sớm ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của Điều tra viên đối với NBC hoặc sửa đổi, bổ sung Thông tư 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017, có hiệu lực ngày 06/10/2017. Theo đó, quy định các quy tắc ứng xử của ĐTV đối với NBC tương ứng với các quyền của NBC, trong đó có quyền được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Đồng thời, quy định Quy tắc ứng xử này là cơ sở để đánh giá về đạo đức, ứng xử của ĐTV khi bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch ĐTV khác hoặc làm căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với ĐTV. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm của ĐTV trong việc tuân thủ pháp luật về đảm bảo quyền của NBC.

Thứ hai, để đảm bảo NBC thực hiện đầy đủ quyền được gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam trên thực tiễn rất cần sự thay đổi về nhận thức của CQĐT, ĐTV và những người có thẩm quyền THTT khác về vai trò của NBC trong việc tham gia giải quyết VAHS, đặc biệt là ở giai đoạn điều tra. Bởi lẽ, hoạt động của NBC trong TTHS cũng như hoạt động của các cơ quan THTT và người có thẩm quyền THTT đều nhằm bảo vệ pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Việc NBC gặp gỡ người bị buộc tội để trao đổi trong giai đoạn điều tra có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bảo đảm tính khách quan của việc điều tra, hạn chế các vi phạm pháp luật có thể xảy ra như: ép cung, bức cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án và hạn chế tình trạng oan sai. Do vậy, CQĐT và ĐTV cần xóa bỏ nhận thức rằng NBC thường gây khó khăn cho công tác điều tra nên đã cản trở NBC thực hiện các quyền gặp người bị buộc tội mà pháp luật đã quy định. Thay vào đó, CQĐT và ĐTV cần xem việc NBC có mặt ngay từ đầu của giai đoạn điều tra là điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra được đảm bảo khách quan, toàn diện, giúp cho công tác điều tra được nhanh chóng, hiệu quả, hạn chế tình trạng phải điều tra bổ sung.

Thứ ba, để nâng cao trách nhiệm của CQĐT, ĐTV, tạo mối quan hệ phối hợp với NBC được thuận lợi trong quá trình hành nghề cũng như góp phần thực hiện đúng quy định Bộ luật TTHS năm 2015 và các văn bản pháp quy có liên quan, tác giả kiến nghị Sở Tư pháp quan tâm chỉ đạo các Đoàn luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan THTT với Đoàn luật sư, cụ thể là Quy chế phối hợp giữa Đoàn luật sư với Công an, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, các cơ quan THTT cấp tỉnh sẽ triển khai Quy chế phối hợp này đến cấp huyện, trong đó có Nhà tạm giữ, Trại tạm giam để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư trong hoạt động tham gia tố tụng, kịp thời giải quyết các kiến nghị của luật sư về thủ tục đăng ký bào chữa, tiếp xúc, gặp gỡ người bị tạm giữ, tạm giam,… Đồng thời, hàng năm phải tổ chức họp sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Quy chế, từ đó có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo tác giả tìm hiểu, hiện nay một số địa phương có ký kết Quy chế phối hợp giữa Đoàn luật sư với các cơ quan THTT (như Sóc Trăng, Cần Thơ, Bình Thuận) thì mối quan hệ giữa NBC với các cơ quan THTT và người THTT khá tốt, NBC được tiếp cận với người bị tạm giữ, tạm giam được thuận lợi hơn, các thủ tục đăng ký bào chữa được thực hiện đúng thời gian quy định.

Những quy định mới của Bộ luật TTHS năm 2015 về quyền gặp mặt của NBC đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thể hiện sự tiến bộ và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc về bảo vệ quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 cũng như quy định pháp luật quốc tế và một số nước tiên tiến như Nga, Trung Quốc, CHLB Đức. Đây là cơ sở để NBC bước đầu triển khai và xây dựng phương án cho các hoạt động của NBC khi tham gia tố tụng trong VAHS. Thông qua việc chủ động được gặp gỡ, trao đổi với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, NBC không chỉ nắm bắt được thông tin, chứng cứ cần thiết phục vụ cho việc bào chữa mà còn góp phần vào việc củng cố tâm lý, hỗ trợ pháp lý cho người đang bị tạm giữ, tạm giam bình tĩnh khai báo chính xác, khách quan. Từ đó duy trì được sự cân bằng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, hạn chế những hoạt động vi phạm pháp luật của CQĐT. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quyền gặp của NBC đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như tác giả đã phân tích. Bởi pháp luật hiện hành vẫn còn mang tính hình thức, chưa có cơ chế đảm bảo cho NBC được thực hiện các quyền của mình một cách triệt để, các quy định giữa các văn bản luật còn mâu thuẫn, cản trở quyền của NBC và tạo cơ hội cho CQĐT và ĐTV gây khó khăn cho quá trình hành nghề của NBC nói chung và luật sư nói riêng. Do vậy, tác giả đã có những kiến nghị cần thiết góp phần hoàn thiện các quy định của Bộ luật TTHS, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm bảo đảm quyền của NBC trong việc gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cũng như góp phần nâng cao vị thế, vai trò của NBC trong TTHS.

[1] Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 46/2019/TT-BCA.

[2] Khoản 1 Điều 80 Bộ luật TTHS 2015.

[3] Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 46/2019/TT-BCA.

[4] Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC.

[5] Khoản 1 Điều 11 Thông tư 46/2019/TT-BCA.

[6] Di Lâm, Luật quy định rõ nhưng vẫn bị làm khó, nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/luat-quy-dinh-ro-nhung-van-bi-lam-kho-2018103121262041.htm, truy cập ngày 01/10/2021.

[7] Mai Chi, Luật sư còn gặp khó khăn khi làm việc với bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nguồn: https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/chi-tiet-tim-kiem/-/asset_publisher/kyB8zPQFRdzV/content/luat-su-con-gap-kho-khan-khi-lam-viec-voi-bi-can-bi-cao-ang-bi-tam-giam, truy cập ngày 01/10/2021.

[8]  Phan Trung Hoài, Quyền gặp, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, nguồn: https://coquandieutravkstc.gov.vn/quyen-gap-lam-viec-cua-luat-su-voi-nguoi-bi-tam-giu-tam-giam-trong-giai-doan-dieu-tra/, truy cập ngày 02/4/2021.

[9] Hồ sơ vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”, bị can Nguyễn Hữu Duyên.

[10] Nguyễn Quyết Thắng, Quyền bào chữa trong tố tụng hình sự Cộng hòa liên bang Đức, nguồn:http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/208298/Quyen-bao-chua-trong-to-tung-hinh-su-Cong-hoa-Lien-bang-duc.html, truy cập ngày 31/3/2021.

[11] Phan Trung Hoài (2016), tlđd (5), trang 235,236.

Dịch vụ khác