Là sản phẩm nằm trong khuôn khổ của dự án Hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực pháp luật giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các cơ quan, tổ chức phía Việt Nam, trong đó Liên đoàn Luật sư Việt Nam là một trong các tổ chức đối tác của Dự án JICA. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nói trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định số 161/QĐ-LĐLSVN ngày 28-2-2015 (Quyết định bổ sung số 114/QĐ-LĐLSVN ngày 04-8-2016) thành lập Tiểu ban xây dựng Sổ tay Luật sư do LS.TS. Phan Trung Hoài – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm Trưởng Tiểu ban, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ về việc triển khai tổ chức thực hiện Sổ tay Luật sư theo tiến độ đã thống nhất với JICA. Tiểu ban xây dựng Sổ tay Luật sư đã tổ chức nhiều phiên họp, các cuộc hội thảo với sự tham gia của đông đảo của các Luật sư có thâm niên, nhiều kinh nghiệm để góp ý xây dựng Đề cương Sổ tay Luật sư, đồng thời tham khảo các dạng sổ tay luật sư tương tự ở nhiều quốc gia như Mỹ, Canađa, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Campuchia, v.v.. Sau nhiều nỗ lực triển khai, Tiểu ban Sổ tay Luật sư đã quyết định trình phương án xây dựng Sổ tay Luật sư thành 3 tập, phân công các Luật sư viết từng chuyên đề, với kết cấu:
Tập1 – Luật sư và hành nghề luật sư: Giới thiệu những nội dung cơ bản về Luật sư, vị trí, vai trò và chức năng; Tổ chức hành nghề luật sư; Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư; Phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư; Kỹ năng chung của Luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý; Cơ sở tính thù lao luật sư, thủ tục báo giá dịch vụ và soạn thảo Hợp đồng dịch vụ pháp lý; Chế độ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư; Chế độ kế toán và quyết toán thuế đối với tổ chức hành nghề luật sư; So sánh phạm vi hành nghề luật sư với một số nghề luật khác.
Tập 2 – Kỹ năng hành nghề luật sư trong tố tụng hình sự, hành chính, dân sự : Giới thiệu những kỹ năng hành nghề của Luật sư tham gia tranh tụng các loại vụ án hình sự, hành chính, dân sự và kỹ năng của Luật sư khi tham gia tố tụng trọng tài, cụ thể bao gồm: (1) Kỹ năng cơ bản của Luật sư khi tham gia tố tụng hình sự và kỹ năng cụ thể đối với một số vụ án xâm phạm an ninh quốc gia; buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, tham nhũng; bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dưới 18 tuổi, cho pháp nhân thương mại phạm tội; (2) Kỹ năng hành nghề của Luật sư trong các vụ án hành chính; (3) Kỹ năng cơ bản của Luật sư tham gia tố tụng dân sự và kỹ năng cụ thể đối với một số loại vụ án cụ thể như hôn nhân – gia đình, tranh chấp thừa kế, tranh chấp lao động, tranh chấp đất đai, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, v.v..
Tập 3: Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại: Giới thiệu kỹ năng hành nghề của Luật sư trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại, tập trung chuyên sâu trong các lĩnh vực như: Tư vấn đầu tư vào các dự án; Tư vấn thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; Mua bán doanh nghiệp; Tư vấn lĩnh vực bất động sản; Tư vấn lĩnh vực xây dựng; Tư vấn lĩnh vực lao động; Tư vấn lĩnh vực vay vốn ngân hàng; Tư vấn lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền tác giả; Tư vấn lĩnh vực hợp đồng thương mại và mua bán hàng hóa quốc tế; Tư vấn lĩnh vực thương mại quốc tế, v.v..Trên tinh thần làm việc hết sức trách nhiệm và khẩn trương, những Luật sư được phân công thực hiện các chuyên đề đã cố gắng hoàn thành đúng thời hạn. Sau đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng thẩm định theo Quyết định số 13/QĐ-LÐLSVN ngày 13-02-2017 bao gồm 8 thành viên do Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm Chủ tịch, tiến hành 4 cuộc họp vào các tháng 2, 3, 5 năm 2017 để góp ý, hoàn thiện nội dung, đồng thời phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản thành sách. Có thể nói, Sổ tay Luật sư là thành quả, được xem như sự “rút ruột nhả tơ” của nhiều Luật sư tâm huyết, với mong muốn truyền lại những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quý báu của mình nhằm chia sẻ, đưa ra những góp ý bổ ích, giải pháp đối với các tình huống nảy sinh trong quá trình hành nghề đối với các Luật sư (đặc biệt là các Luật sư trẻ), người tập sự hành nghề luật sư, cũng như các đối tượng khác làm việc trong lĩnh vực pháp luật có quan tâm. Do xác định hình thức ấn phẩm là dạng sổ tay, nên nội dung trình bày trong Sổ tay Luật sư sẽ được trình bày cô đọng, súc tích, dễ hiểu, với tinh thần “cầm tay chỉ việc” dựa trên những kinh nghiệm của các Luật sư đi trước, cố gắng bảo đảm sự tiện dụng, tiện tra cứu những nội dung cốt lõi quy định, đề cập những quyền và nghĩa vụ của Luật sư (dẫn chiếu đến điều luật cụ thể). Đây là cơ sở ban đầu để sau này có thể liên thông kết nối mạng (Sổ tay Luật sư điện tử), mang tính ổn định tương đối, dễ dàng cập nhật những quy định mới và bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn mới phát sinh. Thay mặt cho tập thể Tiểu ban xây dựng Sổ tay Luật sư, các thành viên Hội đồng thẩm định, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chân thành cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của JICA và cá nhân Luật sư Masanori Tsukahara, xin cám ơn sự nỗ lực, tận tụy và trách nhiệm cao của các Luật sư được phân công viết các chuyên đề và sự phối hợp nhiệt tình, hiệu quả của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Do đây là lần xuất bản đầu tiên với điều kiện thời gian còn hạn hẹp, nội dung biên soạn chủ yếu xuất phát từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các Luật sư, nên cuốn sách không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong bạn đọc, các Luật sư đồng nghiệp và những người quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ Luật sư Việt Nam góp ý để lần xuất bản sau cuốn sách được hoàn thiện hơn.
THƯỜNG TRỰC LIÊN ÐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM
Trưởng Tiểu ban xây dựng Sổ tay Luật sư
TS. PHAN TRUNG HOÀI
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Nguồn: Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Tải ebook:
Tập1 – Luật sư và hành nghề luật sư
Tập 2 – Kỹ năng hà nh nghề luậ t sư trong tố tụng hình sự, hà nh chính, dân sự
Tập 3: Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại