MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Bích Ngọc
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10/11/2022, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đã thể chế hóa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội “làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”; Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban công tác Mặt trận Tổ quốc ở khóm, ấp, vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt; bổ sung các quy định về trách nhiệm của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 24, Điều 29); quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9) và việc xử lý vi phạm pháp luật trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 10) nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng có nhiều điểm mới cơ bản như:
– Những điểm mới trong thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn: (1) Mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; (2) Đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật, thông qua mạng xã hội…; (3) Mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; (4) Quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản của cộng đồng dân cư; thay đổi thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố từ Ủy ban nhân dân cấp huyện sang Ủy ban nhân dân cấp xã; (5) Bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành; (6) Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát.
– Những điểm mới trong thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị: (1) Bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; (2) Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục cán bộ, công chức, viên chức kiểm tra và giám sát; (3) Bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
– Những điểm mới trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp: (1) Bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện tại doanh nghiệp; (2) Quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát; (3) Bổ sung một số nội dung hiện đang được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (hình thức quyết định, kiểm tra, giám sát; một số nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát,…).
– Những điểm mới về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở: (1) Quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; (2) Quy định cụ thể trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; (3) Quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; (4) Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và chế độ báo cáo về thực hiện dân chủ ở cơ sở; (5) Quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; (6) Quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nói riêng; trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đồng thời, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhằm khắc phục hạn chế của các Ban này trước đây và phát huy tốt vị trí, vai trò của các Ban này trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở./.
(Nguồn: Tài liệu giới thiệu, phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở của Vụ PBGDPL – Bộ Tư pháp)